Võ đường Phan Thọ được xem là nơi kế thừa các di sản võ học đồ sộ, phát huy các tinh hoa võ thuật của môn phái quyền An Vinh (Tây Sơn, Bình Định). Từ đó, hình thành nên "Thập bát ban binh khí" với 18 môn binh khí của 54 bài múa võ mà chưa một môn phái nào có được.
Vượt hơn 700km từ TP.HCM ra huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, chúng tôi mong muốn được diện kiến vị võ sư nổi danh Phan Thọ với các thế võ bất tử. Nhưng thật không may, người nhà cho biết võ sư Phan Thọ đã tạ thế cách đây không lâu. Tiếp chuyện chúng tôi, võ sư Phan Thanh Sơn (con trai thứ hai của cố võ sư Phan Thọ) nghẹn ngào khi nói về sự ra đi của thân sinh. Võ sư Phan Thanh Sơn cho biết: "Quy luật sinh, lão, bệnh, tử của đời người không ai tránh khỏi. Cả cuộc đời cụ đã hy sinh cho võ thuật cổ truyền, cụ ra đi không có điều gì hối tiếc. Chúng tôi là thế hệ hậu sinh, quyết sẽ tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị mà cụ đã cất công vun đắp cả cuộc đời".
Ông Phan Thọ (SN 1926, ngụ thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được giới cao thủ võ lâm mệnh danh là người có bộ tay hay nhất Bình Định dù đến năm 17 tuổi ông mới học võ. Tuy nhiên, ông vô cùng đam mê. Chính niềm đam mê đó đã thôi thúc ông phiêu bạt khắp nơi để tìm thầy dạy võ. Khi nghe đến "roi Thuận Truyền, quyền An Vinh" thì ông đã quyết tìm đến An Vinh để theo học quyền thuật của thầy Cai Bảy. Học quyền thuật được năm năm, ông lại tiếp tục tìm đến võ sư Diệp Trường Phát (còn gọi là Tàu Sáu) để học kiếm pháp. Sau đó ông lại tìm đến đại đồ đệ của võ sư Hồ Ngạnh là thầy Châu để học về côn... Vì thế, ông không chỉ tinh thông về quyền thuật, mà còn giỏi cả kiếm pháp và các thế côn.
Mỗi khi võ sư Phan Thọ đi quyền, người ta thấy được cái cốt lõi võ học lộ ra trong những đường chuyển động mà ở đó bao hàm cả sự cao siêu lẫn giản dị như những lẽ phải trong cuộc sống đời thường. Chính những năm tháng bôn ba "tầm sư học võ", võ sư Phan Thọ đã tập hợp được nhiều nét tinh hoa của võ Bình Định. Ngoài ra, với cá tính mạnh và thêm "tính tự ái dân tộc", ông không bao giờ chấp nhận ai coi thường võ của dân tộc mình. Vì vậy, ông đã nhiều lần "phiêu lưu" cả tính mạng, để "khẳng định" võ Bình Định không thua kém ai. Chính những lần tỉ thí đó, khiến nhiều người ngả mũ thán phục tài năng của ông.
Theo nhiều người dân kể lại, khi ông còn là một thanh niên mới tập tành học các thế võ. Một buổi trưa có người làng hớt hải chạy về báo tin có một con heo rừng rất hung hãn từ trên núi xuống phá mía, lúa của dân làng, nó còn tấn công cả người nữa. Không kịp mặc áo, ông lấy cây đòn gánh (cây gậy làm bằng nguyên một gốc tre được ông dùng để luyện võ) chạy ra đồng. Một cuộc tử chiến vô cùng ác liệt giữa người và mãnh thú diễn ra. Con heo hung hăng xông vào húc Phan Thọ, còn ông thì nhanh nhẹn né tránh, đồng thời vung những đòn búa bổ vào đầu, vào lưng nó. Dân làng kéo ra xem đông như trẩy hội. Cứ thế, người và heo quần nhau một ngày, một đêm. Cuối cùng, con heo đã bị ông khuất phục, dân làng hồ hởi kéo heo về nướng ăn. Sau cuộc chiến sinh tử để đời đó, thành quả mà ông nhận được chính là bộ răng nanh dài quá khổ của "đối phương".
Năm 1972, một võ sư taekwondo đệ ngũ đẳng huyền đai, vốn là một sỹ quan quân đội Nam Hàn Quốc tìm đến ông gửi lời khiêu chiến. Bị "áp đáo tại gia", dù mến khách nhưng không có cách nào khác, ông phải nhận lời. Lúc ấy, sàn đài đã tháo dây. Võ sư Phan Thọ chỉ 58kg còn viên sỹ quan kia to cao, nặng trên 80kg. Mới xáp vào là đối thủ động thủ liền. Biết được thế mạnh của taekwondo là các đòn chân, võ sư Phan Thọ cứ để viên sỹ quan ra chân thoải mái. Đối phương tung chân vun vút chừng mấy chục cái, còn ông sử dụng chiêu Độc xà thám nguyệt "lặn" qua háng và húc thẳng vào bộ hạ làm đối phương té nhào chết điếng. Võ sỹ Hàn Quốc ngã đập mặt xuống đất, máu chảy nhiều, nên xin ngừng trận đấu. Sau lần đó, rất nhiều võ sỹ của nhiều nước trên thế giới đã tìm đến ông để thi đấu. Tuy nhiên, trăm trận ông đều thắng cả trăm.
Bí kíp chân truyền, cao nhân ẩn tích
Nghe kể về những chiến công ngang dọc của vị võ sư vang danh Phan Thọ, cứ tưởng rằng ông xa vời như các vị thần "cao nhân ẩn tích". Nhưng đối với những võ sinh trong võ đường Phan Thọ, cũng như người dân xung quanh, thầy Thọ luôn là người dễ gần cởi mở, không bao giờ mắng hay thể hiện uy quyền của mình. Khi các môn sinh của mình làm sai, ông không bao giờ nói nặng lời. Bởi vậy, có nhiều bậc phụ huynh trong xã cũng như nhiều xã khác đã đến gửi gắm con em mình cho võ sư Thọ. Trong số ấy có nhiều trò đã thành danh, lập võ đường ở nhiều nơi trên khắp cả nước.
Võ sư Phan Thanh Sơn (con trai của võ sư Phan Thọ) thổ lộ: "Cha tập tấn cho tôi, dạy võ cho tôi từ khi còn bé. Đối với ông cái quan trọng nhất của võ thuật không phải là các thế võ mà đó chính là tâm đức. Bởi người giỏi võ mà không có đức thì vô cùng nguy hiểm. Khi biết mình không qua khỏi, ông gọi mỗi người con trong gia đình của mình lại để trăng trối. Với người khác thì tôi không biết ông nói gì, nhưng với tôi, ông bảo: "Đối với võ học, ngoài cái tài ra thì cái đức là vô cùng quan trọng. Nếu không giữ được tâm đức thì võ thuật cũng không còn giá trị nữa. Theo như lẽ thường, ta sẽ giao toàn bộ võ đường cho anh Hai (người miền Nam gọi người con sinh ra đầu tiên là Hai -PV) của con quản lý. Nhưng bản thân ta thấy con có đầy đủ tố chất, cũng như trong phối ngoài hợp để giúp cho võ đường tiếp tục phát triển. Vì vậy, con hãy thay cha gìn giữ lấy nó".
"Cách đây khoảng bốn, năm năm, vào một buổi tối khuya khoắt, khi mọi người đã yên giấc nồng, cha có gọi tôi đến. Vẻ mặt ông cụ cũng trầm tư như chính hôm ông sắp ra đi. Hôm đó, sau khi gọi tôi đến, ông có thắp lên ba cây nhang (hương cúng) và bắt tôi phải thề rằng những gì hôm nay cụ nói với tôi, dạy tôi phải tuyệt đối giữ bí mật cho tới khi nào cụ mất. Sau khi đã thắp nhang cúng vái, cụ dạy cho tôi các thế võ được xem là bí kíp gia truyền của võ đường Phan Thọ. Các thế võ mà cụ truyền dạy cho tôi không phải chỉ có con em trong gia tộc Phan Thọ mới được học. Cụ bảo tôi có thể truyền dạy cho bất kể người nào, nhưng người đó phải hội tụ đủ các tiềm năng phát triển võ thuật cũng như tài đức. Có lẽ, lúc đó, cụ đã biết sức khỏe của mình diễn tiến như thế nào nên căn dặn như vậy", võ sư Phan Thanh Sơn nhớ lại.
Bùi ngùi trong niềm xúc động, võ sư Phan Thanh Sơn cho biết thêm: "Lúc đó, tôi chỉ biết cúi đầu nhận lời, mong cha ra đi thanh thản chứ không nghĩ ngợi gì. Sau khi lo xong chuyện hậu sự cho cha, mẹ tôi mới gọi tôi đến và giao cho tôi một cái hòm. Trong đó chính là toàn bộ giấy tờ, sách sổ ghi chép về các thế võ cũng như các bí kíp võ công, các bài thuốc mà cha tôi cất giữ bấy lâu. Mẹ tôi bảo: "Đây là cơ nghiệp cả đời của cha con, ông đã giao nó cho con, con hãy giữ lấy và tiếp tục phát triển nó". Biết cha gửi việc trọng đại cho mình, thời gian qua, việc tang sự rối ren nên tôi vẫn chưa thu xếp được. Tôi dự định, sau khi làm lễ cúng 49 ngày cho cụ, sẽ mời các môn đồ đến thông báo".