Nhưng ít ai biết rằng để có sự nghiệp võ thuật lừng lẫy như thế, người con của vùng biển cát cháy Phú Yên đã phải trải qua những thử thách khôn lường, hiểm hóc trong giới võ lâm đầy sóng gió.
Đó là một chặng đường gian nan để thống nhất võ lâm mà chỉ con người đầy khí chất và bản lĩnh như vậy mới làm nên thành công.
Duyên võ đạo với người con xứ biển
Sinh ra tại miền biển nắng gió Tuy Hòa, Phú Yên giàu truyền thống võ học, cậu bé Lê Kim Hòa sớm nuôi dưỡng lòng yêu võ thuật từ chính ông nội mình. Khi đó cậu mới có 9 tuổi đã được người ông võ sư "áo vải" Lê Côn truyền dạy võ dân tộc với cái tên bình dị là võ Ta. Những trận huyết chiến thư hùng của dân tộc trong những thế võ cổ truyền vừa cương vừa nhu mà ông nội kể lại càng khơi dậy trong huyết quản đứa cháu niềm đam mê võ thuật cháy bỏng.
Vừa say sưa học võ nhưng cậu bé vẫn không quên học văn hóa. Ba mẹ đều làm nghề lênh đênh trên biển sớm tối, vì thế tinh thần tự học của cậu rất cao, không cần ai phải nhắc nhở. Sáng sáng, cậu đều phải vượt quãng đường xa xôi mấy chục cây số đến trường bằng cách… nhảy tàu vì không có xe đạp. Học xong văn hóa, cậu bé lại tìm bãi đất trống ở gần đó để "tung hoành ngang dọc" với những đường quyền thế bay bổng giữa biển cát cháy Phú Yên. Chính vì thế, cậu không quản xa xôi đến trường bởi "một công đôi việc", được tập võ nơi tiếng sóng và gió biển vi vu như dẫn hồn người học võ càng say mê và rạo rực hơn.
Sau khi được truyền thụ tình yêu và những đường thế căn bản của võ dân tộc từ ông nội, cậu bé ham học hỏi đã tìm đến nhiều vị võ sư khác trong huyện, tỉnh để chắp cánh cho ước mơ võ đạo của mình. May mắn, ông đã tìm được thầy Võ Kim Khanh, người giỏi về binh pháp và quyền cước của dòng võ Tây Sơn - Bình Định nổi tiếng lúc bấy giờ. Những đòn thế hiểm hóc của võ Tây Sơn cùng thăng hoa với chất tinh túy, nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ của dòng võ gia truyền đã làm cho người thụ giáo "ngộ" ra một võ thuật của riêng mình. Đối với người con xứ biển này, võ thuật không chỉ để tấn công mà nó đầy kỳ ảo và biến hóa như gió lùa và trăng khuyết trên biển đêm quê ông vậy.
Mong muốn phát triển những tinh hoa võ học mà ông nội truyền dạy và những binh pháp được điêu luyện của phái võ Tây Sơn được học, võ sư Lê Kim Hòa tự mình đứng ra thành lập môn phái Thanh Long võ đạo khi mới bước vào tuổi 20. Không tự phụ với những gì mình đạt được, chàng thanh niên ấy vừa hăng say tập luyện, rèn rũa võ thuật, vừa mở lớp dạy võ cho những môn sinh của mình. Năm 1979, trong khi giới võ thuật còn "loạn nhịp" trong thời cuộc thì phái võ của ông đã lan rộng khắp Sài Gòn, rồi lên tận cao nguyên Đà Lạt xa xôi. Đó quả là một sự cố gắng không ngừng của ông khi phát triển một phái võ còn non trẻ như vị chủ nhân sáng lập nhưng đã tạo nên tiếng vang khiến cả giới võ lâm kinh ngạc.
Đó quả thực là thời kỳ khó khăn với môn phái Thanh Long võ đạo buổi đầu khi giới võ thuật đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại. Lúc đó, ông phải lặn lội ngược xuôi thuê võ đường để có đất truyền dạy võ thuật cho môn sinh ở nhiều nơi Tân Bình, Bình Thạnh, Thủ Thiêm,… Môn phái nào cũng muốn được nhiều người chú ý đến, lôi kéo người học võ. Khi biết được phái võ của ông chiêu mộ được nhiều đệ tử, những người của môn phái khác đã kéo tới thách đấu để thử tài vị chưởng môn. Nhưng ông biết rằng nếu tiếp nhận thách thức với các phái võ dù thắng hay thua cũng tạo nên ân oán sau này. Vì thế, ông khéo léo từ chối, bởi người theo võ không được để mình rơi vào vòng xoáy giang hồ.
Đi đến thống nhất nền võ thuật cổ truyền Việt Nam
Bị võ sư Lê Kim Hòa khước từ thách đấu, những người kia đều tỏ ra đắc chí cho rằng vị chưởng môn này vì sợ thua nên không dám tiếp mình. Nhưng có một vị giang hồ nhất quyết buộc ông phải ra mặt cho bằng được, biết không thể từ chối, ông liền âm thầm sắp xếp một trận thư hùng để phân thắng bại. Sau lần tỉ thí ấy, vị giang hồ kia xin kết bạn tâm giao với ông như một sự kính phục và bày tỏ mong muốn được thỉnh giáo võ thuật phái Thanh Long võ đạo. Từ đó, tin tức về cuộc đấu võ ấy lan truyền khắp giới võ lâm đã dẹp tan mọi hoài nghi và chứng tỏ khả năng võ thuật của ông với những kẻ từng thách đấu. Và những người yêu thích họ võ cứ lũ lượt kéo nhau tới võ đường của ông ngày một đông. Bằng tài năng và tâm huyết với nghề võ, ông đã đưa Thanh Long võ đạo tạo nên uy tín lớn trong làng võ thuật cổ truyền Việt Nam lúc bấy giờ.
Trong hoàn cảnh nhiều môn phái võ thuật hoạt động riêng lẻ, cần có sự hợp nhất để tạo nên tính bền chặt phát triển cho võ thuật nước nhà. Vì vây, ngành thể dục thể thao đã thành lập ban chuyên môn về võ thuật để đưa phong trào vào nề nếp. Bằng tài năng và uy tín trong giới võ thuật, võ sư Lê Kim Hòa được anh em đồng môn tín nhiệm và bầu làm Trưởng ban chuyên môn, nhằm tạo cơ sở để thống nhất võ lâm. Tiếp đó, ông lại được bầu chọn làm Chủ tịch Hội võ thuật cổ truyền TP.HCM (một "thị trường" võ thuật sôi động của cả nước) kiêm Phó Chủ tịch hội võ cổ truyền Việt Nam. Với khí chất và bản lĩnh trẻ của mình, vị "minh chủ võ lâm" khi mới 36 tuổi này không khỏi khiến nhiều người kinh ngạc và nể phục. Nhưng ông luôn tâm niệm: "Tôi cũng chỉ là một nhân tố nhỏ bé hòa vào dòng võ thuật cổ truyền đất nước mà thôi. Bất cứ ai theo học võ dân tộc đều là góp phần phát triển nền võ học của Việt Nam chứ không phải chỉ riêng tôi".
Từ đây, ông say sưa truyền dạy võ thuật không chỉ trong nước mà còn "xuất khẩu" sang phương trời Tây Âu. Những lần xuất chinh ra nước ngoài dạy võ làm cho ông thấy cuộc đời võ học của mình có ý nghĩa hơn. Ông kể rằng, kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình là chuyến đi lưu dạy vào năm 1991. Đó là lần đầu tiên một vị võ sư người Việt đến xứ sở bạch dương dạy võ cổ truyền Việt Nam. Những môn sinh nước ngoài hăm hở đón thầy tận sân bay Matxcơva để chứng tỏ lòng thành kính và yêu thích võ Việt.
Lớp học đông đúc gồm 80 môn sinh, lọt thỏm người thầy nhỏ nhắn ở giữa những chàng thanh niên Nga cao lớn. Ai cũng tỏ ra hiếu kỳ về võ cổ truyền Việt Nam, thử thách thầy bằng những ngón tấn công hiểm hóc sở trường. Nhưng ông đã hóa giải bằng đường quyền nhẹ như gió thoảng nhưng có sức công phá mạnh mẽ. Đó là bí quyết lấy nhu thắng cương, lý giải vì sao con người Việt Nam nhỏ bé như thế lại có thể đánh thắng bao nhiêu giặc ngoại xâm hùng mạnh hơn gấp nhiều lần. Nói đến đây, các học trò phương Tây ai nấy đều nhìn người thầy bằng ánh mắt khâm phục. Hai nền văn hóa và lịch sử khác nhau dường như ngay lúc này đã thấu hiểu và hòa hợp làm một bởi cầu nối đam mê võ thuật.
Sau khi ông trở về nước, các môn sinh còn theo về tận Việt Nam để được thọ giáo thầy nhiều hơn. Trong đó, một học trò người Nga đã ở lại theo ông học võ khổ luyện suốt mười mấy năm trời để thành tài. Và sau đó, người đệ tử này đã trở lại phương trời Tây Âu để thực hiện tâm nguyện của thầy, mở rộng môn phái Thanh Long võ đạo đến nhiều nơi trên nước Nga rộng lớn. Đến nay, nhờ sự cố gắng của mình, ông đã mở được hơn 30 lớp võ cổ truyền Việt Nam với vô vàn môn sinh ở các dân tộc khác nhau.
Để chứng tỏ vị thế của võ Việt, ông đã nhiều lần dẫn đầu đoàn Việt Nam tham gia các kỳ festival và đại hội võ thuật truyền thống quốc tế. Tới đâu, đoàn võ thuật Việt Nam đều gặt hái được nhiều thành tích, gây tiếng vang lớn trong giới võ toàn cầu. Ông tâm sự: "Đó là niềm vinh dự và tự hào lớn nhất trong nghiệp võ của tôi. Điều quan trọng nhất là võ cổ truyền Việt Nam đã quy về một mối, anh em võ sư có một nơi giao lưu võ nghệ thật sự." Có lẽ, người võ sư đã qua tuổi "tri thiên mệnh" này vẫn đau đáu về tương lai võ thuật trẻ nước nhà để làm rạng danh nền võ thuật cổ truyền của dân tộc ngàn năm văn hiến.