Binh khí này thông thường làm bằng gỗ, tre, mây, cũng có khi làm bằng kim loại, nhưng thông thường được làm bằng gỗ kiềng kiềng hoặc bằng cây tre dài; chia làm hai loại: đoản côn và trường côn.
Roi ngắn được gọi là “đoản côn”, là loại roi có chiều dài từ 1,50 mét đến 1,8 mét. Cả cây roi có độ to đều nhau, có thân tròn với đường kính từ 2,5 centimét đến 3,5 centimét. Đoản côn được sử dụng đánh cả hai đầu rất đắc dụng trong chiến đấu nên gọi là “roi chiến”. Các lò võ ở Bình Định hiện nay ngoài võ tay không (quyền), trong 18 môn binh khí thì đoản côn là thông dụng nhất. Mỗi võ sĩ, võ nhân, võ sư đều thông thạo các bài thảo (có lời thiệu) như: Thái sơn, Ngũ môn, Tứ môn, Trực chỉ, Đoản côn, Thất bộ, Tề mi…
Trong đoản côn có “tề mi côn”. Tề mi côn là binh khí của từng người, không phổ biến cho một võ đường, bởi lẽ tùy theo vóc dáng cao thấp, khi dựng đứng cây côn tính từ dưới đất lên đến đôi lông mày của từng người, gọi tề mi côn là vì vậy.
Xin nói thêm, có một số người sử dụng một cây đoản (tiếng địa phương là “đản”) chỉ dài khoảng
40 centimét đến 60 centimét. Theo chúng tôi thì từ “côn” dùng để chỉ cây roi dài từ 1,50 - 1,80 mét; còn cây ngắn, chỉ dài từ 40 centimét đến 60 centimét, không thể xếp vào loại hình roi nên không thể gọi là côn. Cũng cần lưu ý là có một số địa phương đã gọi loại binh khí đó là cây “đoản” nên không thể nhầm lẫn giữa “đoản côn” với cây “đoản”.
Roi dài được gọi là “trường côn” (còn gọi “trường tiên”), là loại roi có chiều dài từ 3 mét đến 3,5 mét chưa kể phần nùi tóc bó vải ở đầu roi, có phần gốc tròn đường kính khoảng 3 centimét, nhỏ dần lên phần ngọn đường kính chỉ còn khoảng 2 centimét. Roi trường là loại binh khí được dùng để thi đấu trong các kỳ thi võ của triều đình xưa nên còn có tên gọi là “roi đấu”. Hai người đấu với nhau, mỗi người cầm một cây roi. Tay sau cầm cuối đầu to, nơi được gọi là đốc roi, tay trước cầm ở phần thân roi. Ngọn roi là phần đầu nhỏ được dùng để đâm vào đối phương. Những thủ pháp cơ bản trong đấu roi trường là đâm, bắt, lắc, tém. Roi trường làm bằng gỗ, nên thủ pháp sử dụng roi trường không có các đòn quơ, phang ngang, phang xéo hoặc bổ xuống, vì roi gỗ sẽ bị gãy. Để hạn chế sự nguy hiểm và phân định thắng thua trong thi đấu, ngọn roi được bọc bằng một nùi tóc có vải dày bao ở ngoài. Khi thi đấu, nùi tóc có bọc vải được nhúng vào nước hòa tan lọ nồi (cũng có khi nhúng vào mực Tàu). Sau một khoảng thời gian thi đấu theo quy định, ai bị nhiều dấu lọ nồi trên người thì người đó bị xử thua. Theo lời các thầy kể lại thì khi thi đấu roi trường, thí sinh không được đâm, đánh vào đầu đối phương với lý do là tránh “phạm Tổ”, ngoài ra không nói rõ những quy định gì khác.
Cho đến ngày nay chỉ có roi ngắn (được gọi là đoản côn, đản côn, tề mi côn, trung bình tiên, roi chiến) là còn được lưu truyền hầu như khá đầy đủ, còn roi dài là roi trường (được gọi là trường côn, trường tiên, roi đấu) thì có thể nói là đã thất truyền vì không còn thấy sử dụng nữa.