Kết cấu binh khí này gồm chuôi kiếm, lưỡi kiếm và bao kiếm. Phần lưỡi dài, phiến dẹt, bề rộng chừng 3 - 4cm, cạnh mảnh và cực bén, rèn bằng kim loại tốt như sắt, thép, hợp kim. Phần cán (chuôi) bằng gỗ, có khi cán cũng được đúc bằng kim loại hoặc mạ vàng, hay chạm trổ rất đẹp. Vỏ kiếm được chế tạo cũng bằng kim loại mỏng và cứng, hoặc những loại gỗ quý dùng để bao ngoài lưỡi kiếm, một đầu kín một đầu hở khi gài vào ăn khớp với cổ chuôi kiếm. Kiếm thuộc hàng vũ khí thanh nhã, sang trọng, được rèn theo yêu cầu của người sử dụng. Thường phải đảm bảo ba yếu tố: sắc, đẹp, có độ nặng, độ dài phù hợp với sức vóc người cầm.
Kiếm lệnh là kiếm chỉ huy, lược trận, phân biệt với kiếm trận ở chỗ kiếm lệnh lưỡi cong ngắn, còn kiếm trận lưỡi thẳng dài. Tùy theo độ dài ngắn mà phân thành trường kiếm hay đoản kiếm. Trường kiếm độ dài xê dịch trong khoảng 1,2m đến 1,5m, có thể giao tranh trên mặt đất hoặc trên ngựa đều tiện lợi. Đoản kiếm là kiếm ngắn, từ chuôi đến ngọn dài chừng năm, bảy tấc, thích hợp với lối đánh cận chiến, giáp chiến. Thường con nhà võ chỉ tuốt kiếm khỏi bao khi giao đấu. Trong giao đấu, vỏ kiếm cũng là một vũ khí để đánh, đỡ, gạt, hất rất lợi hại. Tuy vậy, cũng có không ít những thanh kiếm để trần.
Thời chống Pháp trở về trước, kiếm là môn binh khí rất phổ biến trong võ thuật Bình Định. Nữ tướng Bùi Thị Xuân chuyên đánh song kiếm. Ở Bảo tàng Quang Trung hiện còn lưu bức tranh Bà cưỡi voi trận, tay cầm song kiếm, uy phong lẫm liệt.